Không thể mượn cớ 'bị giao chỉ tiêu' để 'hành dân'

Không thể mượn cớ 'bị giao chỉ tiêu' để 'hành dân'

Thứ 7, 30/03/2013 | 17:20
0
Thông tin việc các trật tự viên của công an phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội ngang nhiên vung gậy, thổi còi phạt người tham gia giao thông khiến dư luận bức xúc.

Mặc dù vụ việc đến nay "đang được xử lý", tuy nhiên qua tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, tình trạng này không chỉ diễn ra tại một phường, một quận mà nó đã và đang diễn ra ở phần lớn các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Người có thẩm quyền đưa ra cách lý giải cho vụ việc là vì bị giao chỉ tiêu, đầu vụ, thậm chí là số kinh phí... nên phải làm gắt. Sự thật này đến đâu?

Làm thay việc của công an?

Vụ việc xảy ra vào ngày 21/3, khi lực lượng trật tự đô thị (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) ngang nhiên vung gậy, chặn xe người tham gia giao thông tại khu vực ngã ba đường Láng - Thái Thịnh để xử phạt vi phạm khiến người tham gia giao thông bất bình, người dân chứng kiến sự việc bức xúc.

Xã hội - Không thể mượn cớ 'bị giao chỉ tiêu' để 'hành dân'

Lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố dừng xe, kiểm tra giấy tờ của người vi phạm giao thông tại phố Triều Khúc, Hà Nội. (Ảnh chụp hồi 15 đến 16h ngày 25/3 - Ảnh Hoàng Anh)

Theo lý giải của ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Công an phường Thịnh Quang thì để xảy ra tình trạng trên là do áp lực quá nặng. Công an phường bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng/tháng nên anh em mới đi lập chốt, xử phạt như vậy. Mặc dù trước đó, ông này cũng đã chỉ đạo các công an viên, trật tự đô thị không được lập chốt chặn xe mà chỉ được phép hỗ trợ công an phường giải quyết việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, ùn tắc giao thông.

Trước sự việc trên, đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội đã đăng đàn trả lời báo chí rằng, đã kiểm điểm vị Trưởng Công an phường Thịnh Quang về việc phát ngôn không chuẩn với báo chí, vì đã hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của quận khi cho rằng việc lập chốt xử phạt như vậy là do áp lực chỉ tiêu 50 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với PV (ngày 25/3), đại tá Đại vẫn khẳng định, Trưởng Công an phường đã hiểu nhầm nên phát ngôn không đúng, gây ra hoang mang trong dư luận về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành công an. Mặt khác, ông Đại cho rằng, lực lượng tự quản xuống đường hỗ trợ cho cảnh sát chặn xe như vậy là đúng quy định, thẩm quyền. "Thực chất, không phải là lực lượng tự quản, trật tự đô thị tự ý chặn xe. Nếu họ tự ý chặn xe mới là sai và chúng tôi sẽ xử lý ngay" - đại tá Đại khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV, trong vòng hai năm trở lại đây, tình trạng này không chỉ xảy ra ở một phường, một quận mà xảy ra ở phần lớn các phường, quận khác trên địa bàn Hà Nội như dọc đường Nguyễn Trãi, (quận Thanh Xuân), đường Kim Giang (quận Hoàng Mai), đường Trung Văn (huyện Từ Liêm), ngã ba Xã Đàn - Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng)... 

Cụ thể, người dân khu vực phố Triều Khúc không còn lạ lẫm gì với cảnh các trật tự viên, bảo vệ dân phố phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) ngang nhiên thổi còi, vung gậy chạy ra chặn xe của người tham gia giao thông vi phạm lỗi đi ngược chiều (đoạn đường Nguyễn Trãi rẽ vào phố Triều Khúc) mà không thấy bóng dáng của lực lượng công an đâu. Thậm chí lực lượng bảo vệ dân phố này còn làm thay việc của công an khi tự ý dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe, giấy đăng kí xe trước khi chuyển sang cho một hoặc hai đồng chí công an phường đứng trên vỉa hè hoặc ở gần đó đến lập biên bản, xử phạt.

Trong vòng 30 phút quan sát tại địa điểm, PV thấy lực lượng trật tự, bảo vệ, dân phòng phường tự ý thổi phạt, chặn xe không dưới 10 trường hợp vi phạm (trong khi chốt này làm việc khoảng 3 - 4h/ngày, chia 2 ca, sáng và chiều).

Bức xúc trước hiện tượng này, anh Nguyễn Thành Trung, trú tại phố Triều Khúc cho biết: "Mặc dù người vi phạm giao thông cần được ngăn chặn, nhắc nhở, xử lý kịp thời để lần sau không tái phạm nhưng việc bảo vệ dân phố, dân phòng tự ý thổi còi, lao ra chặn xe vi phạm là không thể chấp nhận được. Có nhiều hôm, tôi chứng kiến người vi phạm quay xe bỏ chạy bị trật tự viên, bảo vệ dân phố lấy tay kéo đầu xe khiến cả người và xe vi phạm đổ xuống đường. Sau khi người vi phạm tự đứng dậy, họ yêu cầu xuất trình giấy tờ trông không khác gì công an thực thụ?!”. Thậm thí có ý kiến cho rằng, lực lượng này khi làm việc hùng hổ như bắt tội phạm, khiến người tham gia giao thông rất bức xúc.

Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Hạnh, trú cùng khu phố cho biết thêm: "Vào giờ cao điểm, ngõ phố Triều Khúc thường xảy ra ùn tắc kéo dài thế nhưng không thấy lực lượng bảo vệ, dân phòng, trật tự ra giải tỏa, phân làn, hướng dẫn giao thông mà họ chia hai góc, hễ thấy người vi phạm đi qua là thi nhau thổi còi, chạy ra vung gậy, vồ, chộp"?!

Xã hội - Không thể mượn cớ 'bị giao chỉ tiêu' để 'hành dân' (Hình 2).

Trật tự đô thị lao ra giữa đường chặn xe tại ngã 2 đường Láng - Thái Thịnh. (Ảnh Minh Đức)

Không thể cứ vì chỉ tiêu là phạt tới bến!

Đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó cục Cảnh sát giao thông đường bộ, bộ Công an cho biết, không chỉ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra mà luật Giao thông đường bộ quy định, nhiều lực lượng khác cũng được làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, trong đó có cả cảnh sát trật tự, cơ động. Luật cũng quy định, có thể huy động các lực lượng công an khác, kể cả công an xã vào thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Khi huy động lực lượng khác thì phải do cấp có thẩm quyền như Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng, Giám đốc công an, Trưởng công an ra lệnh. Còn về tình trạng lạm quyền khi công an phường, xã, cảnh sát trật tự ở nhiều địa phương, (trong đó có Hà Nội) thích xử phạt vi phạm giao thông hơn là dẹp lấn chiếm vỉa hè, có thể là do vỉa hè Hà Nội làm chưa tốt lắm. Còn khi huy động các lực lượng khác thì người ra mệnh lệnh, như Trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Đề cập tới chuyện các lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, trật tự viên của phường, xã ngang nhiên thổi còi, chặn xe người vi phạm giao thông, luật sư Lương Văn Tuấn (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, không thể có chuyện lực lượng này làm thay công an được. Họ chỉ có chức năng hỗ trợ công an trong việc tham gia giải quyết ùn tắc giao thông, vi phạm lòng đường, vỉa hè...  nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên từng địa bàn cơ sở.

Theo phản ánh, lực lượng trật tự, dân phòng, bảo vệ dân phố ngang nhiên chặn xe, kiểm tra giấy phép lái xe hoặc bằng lái của người vi phạm giao thông khi đang lưu thông là không thể chấp nhận được, bởi lực lượng này không có chức năng, quyền hạn được thực hiện công việc đó. Và như vậy, vô hình trung họ đã làm thay việc của công an phường và trong mắt người dân, họ không khác gì công an phường. Trên thực tế, có một số cơ sở đã vô tình hoặc cố ý cho họ có quyền đó nên lực lượng này mới ngang nhiên làm như vậy được.

"Theo tôi được biết, ở nước ngoài không hề có những việc tương tự xảy ra. Những trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị cảnh sát cảnh cáo, nhắc nhở hoặc viết biên lai xử phạt và nộp tiền vào kho bạc Nhà nước chứ không có tình trạng cứ thấy vi phạm là nhảy ra, bắt bớ như ở nước ta hiện nay”, luật sư Tuấn nói.

Khoán "chỉ tiêu" là vô lý!

"Vậy, việc cần làm là tuyên truyền, nhắc nhở sao cho đạt hiệu quả nhưng điều trái ngược đó là lại có sự giao khoán về các chỉ tiêu vụ việc (chỉ tiêu bắt người, chỉ tiêu phạt tiền…). Và như vậy chỉ tiêu càng cao, tiền phạt tăng theo cấp số nhân như thế đồng nghĩa với ý thức của người dân, người tham gia giao thông không lẽ ngày càng giảm, ngược với xu thế phát triển, hướng tới sự văn minh của nhân loại, của đất nước" - luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Quỳnh Chi - Phạm Thiệu

'Bẫy' giao thông - Bất hợp lý biển báo

Thứ 4, 27/03/2013 | 09:19
Sự rối rắm, khó hiểu của hệ thống biển báo trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM như đánh đố, khiến không ít người lái xe bị phạt oan ức.

Nữ 'hiệp sĩ' giao thông gần 40 năm ăn sương nằm gió

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:25
Bà cụ thở dồn khi đứng lên ngồi xuống bơm bánh xe cho khách, công việc vá xe cũng khó khăn hơn với cái tuổi 79. Bà lại vừa trải qua một cơn bạo bệnh, nằm trên giường mấy tháng trời. Nhưng vì nhớ ngã tư đường ồn ào, nhớ cái nghề nuôi sống đàn con thơ gần 37 năm qua, bà lại đội mưa đội nắng, thức khuya vá xe kiếm tiền mưu sinh tự lo cho thân già.

Những dự án giao thông 'nghìn tỷ' bị 'cảnh cáo'

Thứ 3, 19/03/2013 | 09:20
Do tiến độ thi công “rùa”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải chỉ đạo Ban quản lý dự án 4 (PMU4) ra văn bản cảnh cáo nhà thầu.

Thanh tra giao thông sửa hàng loạt biên bản

Thứ 6, 15/03/2013 | 10:01
Các con số hàng hóa, tải trọng xe trong biên bản vi phạm bị sửa chữa để giảm mức phạt cho người vi phạm.